banner
Thứ 7, ngày 9 tháng 11 năm 2024
TUẦN LỄ VỚI CHỦ ĐỀ: HƯỞNG ỨNG HỌC TẬP SUỐT ĐỜI NĂM 2023
6-10-2023

Bài viết: NUÔI DƯỠNG THÓI QUEN VÀ NHU CẦU ĐỌC SÁCH

GÓP PHẦN XÂY DỰNG NĂNG LỰC TỰ HỌC TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Sách là một trong những phát minh vĩ đại và là tài sản quý giá nhất của loài người trong quá trình nhận thức về giới tự nhiên và các quy luật xã hội. Sách lưu giữ và truyền bá tri thức, bồi dưỡng tâm hồn, hun đúc bản lĩnh, nâng đỡ những ước mơ, khát vọng và đam mê. Đọc sách khiến chúng ta có tư duy sắc bén, cuộc sống thú vị, tinh thần nâng cao, mức độ căng thẳng giảm đi và trái tim biết động lòng trắc ẩn hơn. Đọc sách là con đường mở cửa tri thức. Đọc sách cùng với suy ngẫm, tra cứu, tìm tòi... là cơ sở hữu ích cho việc kiến tạo tương lai. Đọc sách giúp con người trưởng thành cả về trí tuệ và nhân cách. Chừng nào con người vẫn còn nhu cầu nhận thức về thế giới và thưởng thức vẻ đẹp của trí tuệ; biết đề cao văn hóa, và các giá trị tinh thần, thì chừng ấy sách vẫn còn là một công cụ hữu hiệu và vô giá.

Vậy làm thế nào để có cảm hứng đọc sách?

       Thứ nhất, hãy xem hoạt động đọc sách là để thưởng thức. Đừng nên cố gắng ôm lấy những quyển kiệt tác văn học đồ sộ hay những cuốn sách quá hàn lâm trong sự ngán ngẩm chỉ vì chúng được nhiều người yêu thích. Thay vào đó, bạn hãy tìm cho mình những quyển sách phù hợp với sở thích. Đọc sách chỉ nên là một trải nghiệm gì đó tự nhiên, một quá trình tích lũy kiến thức lành mạnh. Đọc sách cũng như một hoạt động thư giãn, một quá trình để ta có thể tiếp xúc với tác giả, với những kiến thức mà mình nhận được. Khi đó ta mới cảm thấy thật sự thoải mái và hứng thú hơn rất nhiều.

      Thứ hai, tạo danh sách những quyển sách yêu thích. Việc tạo danh sách những quyển sách yêu thích sẽ giúp bạn cảm thấy háo hức hơn trong việc đọc sách mỗi ngày. Vì nó như một sự nhắc nhở rằng, những quyển sách hay vẫn đang chờ đợi bạn.

      Thứ ba, hãy luôn mang theo một quyển sách bên mình và đặt chúng ở những nơi dễ nhìn thấy. Dù là trường học, nơi công sở hay quán cà phê, bạn có thể đọc bất cứ khi nào bản thân thấy buồn chán. Đến khi quyển sách trở nên quen thuộc hơn thì bạn sẽ không còn nhớ đến chúng chỉ mỗi khi rảnh rỗi nữa. Mà thay vào đó, bạn sẽ nghĩ đến chúng như một sở thích mới của mình. Ngoài ra, nếu muốn tập trung đọc sách trong thời gian dài hơn thì hãy chuẩn bị cho mình một môi trường thật thoải mái và thư giãn với nến thơm, gối tựa lưng, một chiếc nệm êm,... và nhớ là hãy đọc sách ở nơi đủ sáng nhé!

      Thứ tư, thiết kế phiếu nhật kí đọc sách. Việc thiết kế những phiếu nhật kí đọc sách riêng cho mình để ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc về các vấn đề được gợi ra trong quyển sách hoặc ghi chú lại những câu văn, từ ngữ hay sẽ giúp bạn có hứng thú hơn trong việc đọc sách giống như ta đang có một cuộc hội thoại với tác giả và với quyển sách mà mình đang đọc. Cách đọc chủ động giúp cho quá trình bạn đọc được tập trung hơn. Khi chúng ta liên tục được kết nối với tác giả, với nội dung quyển sách, vận động được tư duy não bộ của bản thân cũng như làm cho ta cảm thấy thú vị hơn vì khi ấy người đọc trông giống như một bình luận viên hay một biên tập viên vậy.

Và đọc sách như thế nào thì hiệu quả?

Để hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc, giáo viên và học sinh cần phải liên tục tạo ra các hoạt động vui đọc (happy reading) cụ thể và đều đặn, chẳng hạn:

- Tạo thói quen: Giáo viên và học sinh luôn mang “sách” vào mọi vấn đề trong lớp học; giáo viên cập nhật thông tin, kể vắn tắt những điều thú vị về nội dung sách; chọn sách làm phần thưởng cho các hoạt động trên lớp; sắp xếp các tài liệu đọc quanh lớp/trường (Thư viện/Tủ sách của lớp/ Góc đọc sách (Trạm sách) ở các khu vực trong trường).

- Chia sẻ: Giáo viên tổ chức các hoạt động “cùng đọc”, chẳng hạn như: Đọc và chia sẻ sách trong 15 phút sinh hoạt đầu giờ; Tạo tài khoản Goodreads, fanpage trên các nền tảng mạng xã hội; Thử thách đọc sách (Reading Challenge); Xem video hướng dẫn đọc sách, giới thiệu sách; Thành lập câu lạc bộ đọc sách. Link fanpage Lớn lên cùng sách: https://www.facebook.com/LonlencungsachCKT/

"VLOG SÁCH TRONG THỜI ĐẠI SỐ", Lắng nghe và cảm nhận tại https://bom.so/IMM3Gb .

 

- Trải nghiệm: Tham quan các nhà xuất bản, cơ quan báo chí, đài truyền hình; đọc các vấn đề thời sự

- Hành động

+ Xây dựng thư viện lớp học thông qua hình thức xếp sách nghệ thuật hoặc một hình thức sáng tạo khác. Với thư viện lớp học, mỗi tập thể lớp có thể trang trí tủ sách của lớp hoặc sắp xếp những cuốn sách thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo gắn với các chủ đề về đất nước, mái trường, đặc trưng của môn chuyên…(kèm theo thuyết minh về tính hình tượng: Ý nghĩa, lí giải vì sao có sản phẩm đó,…).

+  Hóa thân thành các nhân vật trong quyển sách tôi yêu: Mỗi tập thể lớp/liên khối/nhóm HS có thể sân khấu hóa một trích đoạn trong một cuốn sách đã đọc.

+ Chia sẻ cảm nhận của mình về quyển sách lên trên mạng xã hội như Instagram, Tik Tok hay Facebook để review về quyển sách vừa đọc xong để mọi người có cái nhìn khách quan hơn về quyển sách ấy và giúp họ biết được nó có phù hợp với mình hay không. Việc chia sẻ sẽ đồng thời tạo động lực cho những người xung quanh có thêm niềm yêu thích đọc sách và bản thân cũng sẽ rút ra được nhiều kiến thức bổ ích từ cuốn sách mình đã đọc.